Tập thể thao cũng lắm công phu





Dù chạy bộ nửa giờ mỗi ngày là đủ tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người lại sẵn sàng đầu tư công sức, thời gian lẫn tiền bạc nhiều hơn thế để có được một cơ thể tráng kiện như ý muốn.

Anh Châu Hoàng Đạt tranh thủ chăm chút cho chiếc xe đạp của mình - Ảnh: H.Đ.

Đều đặn mỗi buổi sáng, anh Châu Hoàng Đạt (43 tuổi, Q.5, TP.HCM) đạp xe một vòng chừng mười mấy cây số quanh khu vực ngoại thành như một bài tập thể dục lành mạnh. Anh Đạt cho biết dù bận đến cỡ nào, anh cũng luôn duy trì ít nhất một giờ mỗi ngày cho việc tập luyện này.

Vài triệu đồng/tháng cho tập thể thao
Chiếc xe đạp của anh Đạt có giá 88 triệu đồng khi được mua cách đây hơn 2 năm. Mấy năm qua, anh đầu tư đồ phụ tùng cho chiếc xe thêm khoảng 20 triệu đồng nữa. Vì thế, thật dễ hiểu khi ngày nào anh cũng ngồi chăm sóc cho “chú ngựa sắt” - món đồ nghề chơi thể thao trị giá hơn trăm triệu đồng này của mình.

Anh Đạt nói: “Tôi vốn mê xe nhưng điều quan trọng là ý thức phải chơi thể thao để cơ thể khỏe mạnh, vì vậy tôi chọn đạp xe làm môn thể thao chính của mình. Chiếc xe của tôi giá hơn trăm triệu, nhiều người cho rằng như vậy là quá xa xỉ. Nhưng với tôi, đạp xe vừa là việc tập thể dục, vừa là đam mê. Ngoài đạp xe đi đây đó, tôi không có đam mê đáng kể nào khác như chơi bời, nhậu nhẹt hay các đồ dùng công nghệ nên tôi thấy đầu tư nhiều cho chiếc xe đạp của mình cũng không có gì là quá phí phạm”.

Dân chơi xe đạp như anh Châu Hoàng Đạt ở TP.HCM hiện cũng có không ít. Ông Phan Minh Nhật (52 tuổi, Q.Tân Phú) cho biết do bận rộn công việc nên trừ hai ngày cuối tuần, ngày thường ông tận dụng thời gian bằng cách đạp xe đi làm luôn dù chỗ làm cách xa đến 12km. Là một nhân viên có thu nhập bình thường nhưng ông Nhật cũng rất chịu chơi khi bỏ ra hơn 40 triệu đồng để tậu cho mình một chú “chiến mã”.

Trong số các môn thể thao, thể hình được xem là “món bổ, rẻ” nhất bởi hầu như không yêu cầu riêng về dụng cụ. Mọi trang bị đã sẵn có ở phòng tập, người chơi chỉ việc mang theo một đôi giày là có thể tập luyện. Dù vậy, khi thực sự bước chân vào giới thể hình mới nhận ra môn thể thao này cũng lắm công phu. Anh Đức Thuận, một người tập thể hình lâu năm, cho biết xu hướng của giới trẻ ngày nay là ngoài việc tập luyện, họ còn sử dụng thêm các loại thực phẩm bổ sung để có thêm dinh dưỡng.

Anh Thuận kể các loại thực phẩm bổ sung bày bán trên thị trường muôn hình vạn trạng, từ bổ sung protein nhiều loại cho đến canxi... Và nếu uống theo chế độ “full-set” (trọn bộ), một tháng có khi tiêu tốn khoảng chục triệu đồng. “Cá nhân tôi không thích việc sử dụng thực phẩm full-set vì nó tốn kém quá và lại hơi lạm dụng, tuy nhiên tôi cũng dùng một hai loại. Một hũ protein có giá cỡ 2 triệu đồng chỉ dùng được khoảng một tháng là tối đa. Cộng thêm tiền ăn uống bình thường theo chế độ dân tập thể hình thì chi phí cho việc dinh dưỡng cũng khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, gấp đôi so với người bình thường”.


Hoàn Mỹ tung những cú đấm mạnh mẽ - Ảnh: T.P.

“Chịu đòn” để thon gọn
Kẻ bỏ của, người bỏ công. Một số bạn trẻ khác tuy không đầu tư nhiều cho thể thao nhưng lại sẵn sàng lăn xả vào những môn thể thao mà ít ai ngờ lại dành cho họ, điển hình như việc con gái đi học... đấm bốc. Đến với nhà thi đấu Rạch Miễu ngày cuối tuần, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy lớp học quyền anh nơi đây có đến gần 10 cô gái “mặt hoa da phấn”, tất cả đều rất thanh mảnh và chẳng có vẻ gì của một đấu sĩ.

Bạn có mê Manny Pacquiao, Floyd Mayweather hay Tyson Fury không? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, Trương Hoàn Mỹ - cô bé nhỏ nhắn đang học lớp 8 - lắc đầu và trả lời: “Tôi chẳng mê võ sĩ nào hết, thậm chí chẳng biết được bao nhiêu người. Tôi tập môn võ này chỉ vì thấy nó rất tốt về mặt thể lực, sức khỏe, đốt mỡ hiệu quả và lại có thể tự vệ”.

Cùng với Hoàn Mỹ, 4 học viên nữ còn lại của lớp học nơi đây đều không phải là dân võ chuyên nghiệp. Dù chỉ tập để có sức khỏe nhưng nhìn vào chương trình tập luyện, người thường không khỏi “xanh mặt”. Trước khi đeo vào đôi găng là 45 phút đầu để làm nóng với nào là căng cơ, ép dẻo, chạy tốc độ, nhảy tới nhảy lui, vừa nhảy vừa đấm... Mới xong màn khởi động, những tấm áo của các học viên đã ướt đẫm. Một giờ sau đó, tiếng chân bước thình thịch, hay tiếng bôm bốp của những nắm đấm va chạm vào bao tập, hòa vào những tiếng hét lấy khí thế sung mãn vang lên liên tục. Cứ thế, thầy và trò quần nhau đến hơn một giờ.

Vừa tháo găng vừa thở hổn hển, cô nhân viên siêu thị Đặng Ngọc Phương Thùy (28 tuổi) cho biết: “Con gái mà học quyền anh thì cũng có người nói ra nói vào nhưng tôi không lo lắng dù quyền anh có thể là môn thể thao vai u thịt bắp và phải chịu đòn nhiều. Quyền anh có cú đánh rất nặng, đòi hỏi thể lực cao nên rèn cho tôi sự mạnh mẽ”.

Bước ra khỏi sàn tập, các cô gái thay đồ và nhanh chóng lấy lại vẻ nữ tính ngoài đời. Với họ, môn võ này tuy chịu đòn nhiều nhưng lại giúp thân hình thon gọn cực kỳ hiệu quả. “Vài vết trầy xước thì chăm sóc da một chút là xong thôi mà, giữ được cơ thể khỏe khoắn mới khó” - Phương Thùy cười nói.

“1 đồng cho thể thao, tiết kiệm 2 đồng 
trị bệnh”
Ông Phan Minh Nhật nói: “Ngoài tiền mua xe đạp ra, tiền tậu đồ phụ tùng như đồng hồ, đồ nghề sửa xe, cùng các phụ tùng phải thay thường xuyên như sên, vỏ, bàn đạp cộng lại cũng khoảng 5-6 triệu đồng mỗi năm. Thêm vào đó, người mê xe đạp như bọn tôi còn thường tổ chức các chuyến đạp xe dã ngoại tầm mỗi tháng một lần. Tính ra, tôi mất khoảng 1-2 triệu đồng/tháng cho việc đạp xe. Con số này cũng khá nhiều nhưng tôi quan niệm bỏ ra 1 đồng cho thể thao sẽ tiết kiệm được 2 đồng thuốc men, khám bệnh. Các bác sĩ đều nói đạp xe rất tốt cho tim mạch và xương khớp”.

Nguồn: thethao.tuoitre.vn
Share on Google Plus

About Unknown

Thay đổi cách sống lành mạnh chăm chỉ tập thể thao không chỉ làm cơ thể có sức khỏe tốt, mà còn giúp cho công việc của bạn thành công hơn nhờ vào trí tuệ minh mẫn của minh.