Cảnh sát tuần tra bằng xe đạp: Thoái trào và hồi sinh

Hình ảnh những chiến sĩ công an tuần tra bằng xe đạp mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng trên thế giới, lực lượng tương tự đã xuất hiện từ nửa sau thế kỷ 19 tại Vương quốc Anh và Mỹ.

Việc tuần tra bằng xe đạp được cảnh sát Mỹ và Anh sử dụng từ thế kỷ 19. Ảnh:Wikipedia


Trong thời gian vừa qua, người dân Việt Nam khá lạ lẫm với hình ảnh chiến sĩ công an tuần tra bằng xe đạp chuyên dụng. Theo các nhà lãnh đạo, tuần tra bằng xe đạp giúp tăng tính cơ động khi môi trường đô thị có nhiều ngõ ngách, vốn gây cản trở cho các phương tiện cơ giới hoạt động. Tuy nhiên, việc hình ảnh những phương tiện tuần tra này bị xếp xó mặc cho bụi phủ trắng làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả của lực lượng này.
Sự ra đời của cảnh sát tuần tra bằng xe đạp

Khái niệm cảnh sát tuần tra xuất hiện lần đầu tại Vương quốc Anh năm 1818 trong bối cảnh cuộc sống đô thị đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật phải năng động hơn. Vào thời điểm đó, trung bình mỗi ngày các sĩ quan phải đi bộ tới 32 km để đảm bảo trận tự. Thiếu nhân lực khiến cảnh sát phải làm việc liên tục mà không có ngày nghỉ. Vai trò của lực lượng cảnh sát tuần tra ở Anh khiến Mỹ học theo năm 1844 dù họ chưa thể giải quyết ngay lập tức bài toán hiệu quả của lực lượng này.

Cảnh sát London tuần tra bằng xe đạp. Ảnh Guardian.

Sự thay đổi xảy ra năm 1869, khi một sĩ quan cảnh sát ở Illinois, Mỹ sử dụng xe đạp của mình để thực hiện tuần tra. Tuy nhiên, đường xấu và gồ ghề khiến những chiếc xe đạp bằng sắt và gỗ trở nên nặng nề, thiếu linh hoạt và dễ hỏng. Cuối những năm 1880, cảnh sát Anh tuần tra bằng xe đạp 3 bánh trong khi cảnh sát ở Boston, Mỹ tuần tra bằng loại xe đạp một bánh to, một bánh nhỏ.

Cuộc cách mạng thực sự chỉ đến vào tháng 9/1892, khi lực lượng cảnh sát ở New Jersry được cung cấp loại xe đạp hiện đại và đào tạo tuần tra kỹ lưỡng. Trong giai đoạn này, bánh gỗ cứng nhắc của xe đạp đã được thay thế bằng bánh hơi, giúp chúng hoạt động linh hoạt hơn. Cùng năm, cảnh sát Connecticut, Mỹ chính thức thành lập lực lượng tuần tra bằng xe đạp.

Theo sau Connecticut, hàng loạt bang của Mỹ cũng thành lập lực lượng tuần tra bằng xe đạp. Từ năm 1894, nhiều quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu thành lập lực lượng tương tự bởi những lợi ích to lớn trong việc tuần tra, truy quét tội phạm. Đầu thế kỷ 20, lực lượng tuần tra này tiếp tục được trọng dụng trong việc đảm bảo an ninh đô thị ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, thoái trào của việc sử dụng xe đạp tuần tra xảy ra sau sự ra đời của xe cơ giới.

Cảnh sát Mỹ bắt đầu tuần tra bằng xe gắn máy năm 1908. Tính cơ động và lợi thế tốc độ giúp phương tiện tuần tra mới nhanh chóng thay thế vai trò của xe đạp. Kỷ nguyên của lực lượng tuần tra bằng xe gắn máy kéo dài tới sau Thế chiến II trước khi lực lượng tuần tra bằng xe hơi được trọng dụng. Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị cũng như mức độ phổ dụng của xe hơi khiến việc tuần tra bằng ôtô là cần thiết.
Sự hồi sinh của lực lượng tuần tra bằng xe đạp

Những tưởng việc tuần tra bằng xe đạp đã vĩnh viễn bị xóa sổ nhưng đầu những năm 1970, cảnh sát Mỹ bắt đầu sử dụng lại phương tiện này trong các môi trường đặc thù như trung tâm thành phố hay các trường đại học. Năm 1985 đánh dấu sự hồi sinh của loại phương tiện tuần tra này. Lực lượng tuần tra bờ biển ở San Diego, California, Mỹ dùng xe đạp tuần tra các bãi biển, nơi nhiều du khách tới để nghỉ ngơi. Không lâu sau sự hồi sinh ở Mỹ, lực lượng tuần tra bằng xe đạp cũng tái xuất hiện trên khắp thế giới.

Cảnh sát Singapore tuần tra. Ảnh: ST

Ở thời điểm hiện tại, tuần tra bằng xe đạp là giải pháp hữu hiệu đang được nhiều quốc gia sử dụng. Không chỉ ở phương Tây, cảnh sát các nước châu Á như Trung Quốc, Singapore... cũng sử dụng phương pháp tuần tra này. Ngoài những lợi thế vốn có, phương pháp tuần tra bằng xe đạp còn được coi là biện pháp hữu hiệu để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia thông cũng như tạo ấn tượng tốt về lực lượng thực thi pháp luật.

Tại Singapore, việc tuần tra bằng xe đạp cũng được trọng dụng. Đảo quốc Sư tử nổi tiếng khắp thế giới bởi sự sạch sẽ và trong lành nên việc tuần tra bằng xe đạp được coi là biện pháp để giảm thiểu sự ô nhiễm của đô thị. Hiện tại, người dân đang được kêu gọi tình nguyện tham gia vào các hoạt động tuần tra ngoài giờ bằng xe đạp để tăng cường an ninh, Straits Times đưa tin.

Việt Nam đang thí điểm tuần tra bằng xe đạp.

Tuy nhiên, để tham gia lực lượng tuần tra bằng xe đạp, họ phải trải qua đào tạo kéo dài 26 tuần. Những người không đạt tiêu chuẩn sẽ bị loại. Đối với những người trúng tuyển, họ phải thực hiện tối thiểu 16 giờ tuần tra mỗi tháng. Việc tuần tra diễn ra sau khi họ hoàn tất công việc tại nhiệm sở. Chương trình này được khởi động năm 2012 và đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Trước thời điểm năm 2012, lực lượng cảnh sát tuần tra bằng xe đạp của Singapore là nhân viên toàn thời gian. Việc bổ sung thêm lực lượng tình nguyện viên giúp tăng cường sự hiện diện của cảnh sát cũng như xây dựng mối quan hệ gắn kết với người dân. Nó cũng góp phần tăng cường ý thức thực thi pháp luật của người dân Singapore.

Theo Tân Hoa Xã, tại Trung Quốc, việc tuần tra bằng xe đạp cũng được sử dụng trong vai trò tuyên truyền và đảm bảo an ninh. Ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc sử dụng lực lượng nữ cảnh sát để thực hiện tuần tra đảm bảo an ninh. Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường số lượng cảnh sát nữ để đối phó tới các loại tội phạm liên quan tới phụ nữ.

Tại thành phố du lịch Hằng Châu, Trung Quốc cũng thành lập những lực lượng tuần tra bằng xe đạp để đảm bảo an ninh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sử dụng mẫu xe đạp điện để thực hiện nhiệm vụ tương tự. Sử dụng năng lượng sạc, xe đạp điện giúp tăng tốc độ tuần tra đồng thời giảm thiểu quá trình sử dụng sức của các sĩ quan. Lực lượng tuần tra ở Hằng Châu gồm cả nam và nữ.





Nguồn: News.zing.vn
Share on Google Plus

About Unknown

Thay đổi cách sống lành mạnh chăm chỉ tập thể thao không chỉ làm cơ thể có sức khỏe tốt, mà còn giúp cho công việc của bạn thành công hơn nhờ vào trí tuệ minh mẫn của minh.